Ngoài quảng trường Registan và thánh đường Bibi Khanym, Samarkand còn rất nhiều công trình đồ sộ và tráng lệ khác. Những công trình này đều nằm trong phạm vi 2 - 3km kể từ quảng trường nên bạn hoàn toàn có thể đi bộ khám phá.
Gur-e Amir - lăng mộ gia tộc Đại đế Timur
Gur-e Amir ban đầu có ba công trình gồm lăng mộ, Học viện Hồi giáo và nơi cầu nguyện. Tuy nhiên, ngày nay, phần duy nhất của khu phức hợp vẫn còn nguyên vẹn là lăng mộ và cổng vào. Cổng vào được trang trí bởi mái vòm và họa tiết hình học trên nền gạch đất nung theo kiến trúc Ba Tư. Mái vòm được làm từ gạch tráng men màu xanh ngọc, được trang trí hoa văn và dòng chữ Ả Rập với ý nghĩa “Thượng đế là bất tử”. Bên trong lăng mộ được mạ vàng và là nơi chôn cất Đại đế Timur và các con cháu của ngài.
Đài thiên văn Ulugbek
Ulugbek là một vị vua tài giỏi và cũng là nhà thiên văn nổi tiếng ở Trung Á vào thế kỷ XV. Ông đã xây dựng đài thiên văn mang tên mình vào năm 1420. Nhờ công trình này, Ulugbek cùng nhiều nhà thiên văn học đã gặt hái các thành tựu quan trọng, bao gồm việc xác định thời gian chính xác của một năm chỉ lệch 25 giây so với tính toán hiện đại, tính góc nghiêng trục tự quay của trái đất, hay tổng hợp cuốn Tinh đồ Zij-i-Sultani với vị trí của 994 ngôi sao trên bầu trời.
Những khám phá và nghiên cứu được thực hiện tại đài thiên văn Ulugbek rất quan trọng vào thời điểm đó vì các nhà thiên văn học có thể dự đoán nhật thực và tính toán giờ mặt trời mọc, độ cao của một thiên thể.
Nghĩa trang hoàng gia Shah-i Zinda
Shah-i Zinda được xây dựng vào thế kỷ XI, hiện nay nằm trên đồi Afrasiyab phía bắc thành phố Samarkand. Lối vào khu phức hợp là một cổng vòm đồ sộ. Phần lớn khu phức hợp ban đầu đã bị người Mông Cổ phá hủy khi họ cướp phá Samarkand vào năm 1221, được trùng tu vào thế kỷ XIV. Nhiều kiến trúc mới đã được xây dựng tại đây vào thế kỷ XVIII và XIX.
Kiến trúc và trang trí của Shah-i Zinda chịu khá nhiều ảnh hưởng của triều đại Timur và những người kế vị ông, như mái vòm màu xanh, họa tiết hoa và thực vật, ngôi sao và thiết kế hình học tương tự như kiến trúc của Gur-e Amir và thánh đường Bibi Khanym.
0 Nhận xét